Đường đi kỳ lạ từ DN cấp huyện đến tập đoàn nghìn tỷ của Phúc Sơn

13/03/2024 11:41

CTCP Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004, với quy mô vừa phải, ở cấp huyện trong lĩnh vực xây lắp. 10 năm sau, công ty này đã sở hữu 21 dự án, tổng mức đầu tư trên 40.000 tỷ đồng, trong khi kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, cùng 5 đồng phạm về tội “Vi phạm về quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004, với quy mô vừa phải, hoạt động ở cấp huyện, ở lĩnh vực xây lắp. Từ năm 2015, công ty này vươn mình rất mạnh mẽ, nhận nhiều công trình từ Bắc đến Nam. Tập đoàn có 21 dự án, với tổng mức đầu tư trên 40.000 tỷ đồng. Trong số các nhân sự chủ chốt, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó tổng giám đốc của tập đoàn này mới chỉ học hết lớp 4.

phuc son vietnamnet.jpg Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn (trái) và Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn (phải). Ảnh: BCA 

Theo tìm hiểu, Tập Đoàn Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, được thành lập năm 2004. Đến tháng 8/2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập vào ngày 4/8/2009, có địa chỉ trụ sở chính tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Trước đây, Phúc Sơn chủ yếu là thi công xây dựng, đến 2014 lợi nhuận cũng chỉ đạt khoảng 100 triệu đồng. 

Từ 2015, Phúc Sơn bất ngờ tăng vốn điều lệ lên cao gấp hơn 12 lần, từ 129,7 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng sau 2 đợt tăng vốn. 

Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 14/2/2017 của Phúc Sơn, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên 2.000 tỷ đồng.

Có giai đoạn vốn điều lệ của Tập đoàn Phúc Sơn lên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo bố cáo đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, tại thời điểm tháng 5/2022, Tập đoàn đã giảm vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng xuống còn 1.600 tỷ đồng.

Theo thông tin được ấn phẩm Công an TP.HCM đăng tải ngày 28/2, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Phúc Sơn đi xuống qua các năm. Cụ thể, năm 2016 doanh thu ghi nhận là 514,6 tỷ đồng, lãi ròng 3,7 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu còn 468,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận tăng vọt lên 37,58 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu chỉ đạt 84,7 tỷ đồng, lãi ròng là 80 triệu đồng. Đặc biệt, kết quả kinh doanh năm 2020 của Tập đoàn Phúc Sơn giảm còn 61 tỷ đồng, lợi nhuận lần đầu ghi nhận lỗ 17 tỷ đồng. 

Kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng, song Tập đoàn Phúc Sơn vẫn gây chú ý với loạt dự án và quỹ đất lên đến hàng trăm ha như: Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), quy mô 130ha; Khu nhà ở 15 tầng cho người có thu nhập thấp tại Vĩnh Yên; Chợ đầu mối và khu đô thị Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hơn 186ha, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng; Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường 30,2 ha, vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng; Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149ha; khu đô thị Bàu Giang (Quảng Ngãi), quy mô hơn 49ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng…

Đáng chú ý là dự án Khu trung tâm đô thị thương mại Dịch vụ – Tài chính – Du lịch Nha Trang (Khu trung tâm đô thị Nha Trang) tại sân bay Nha Trang cũ với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cơ quan điều tra bước đầu xem xét 2 dự án ở Vĩnh Phúc và thấy rằng, Tập đoàn Phúc Sơn bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trên 640 tỷ đồng. Công ty này cũng nợ hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế…

Nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện để bán, chưa đủ điều kiện để đưa vào thị trường, Tập đoàn Phúc Sơn đã bán, thu tiền, nhưng không giao đất cho nhà đầu tư, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.

san bay nha trang vietnamnet.jpeg Siêu dự án 10.000 tỷ đồng tại sân bay Nha Trang cũ vẫn ngổn ngang, quây tôn sau nhiều năm giao đất cho Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: Xuân Ngọc

Tại Khánh Hòa, Tập đoàn Phúc Sơn được giao triển khai Dự án Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang, thực hiện tại sân bay Nha Trang cũ. Dự án này từng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm. 

Tập đoàn này cũng là nhà đầu tư được địa phương giao thực hiện các dự án những tuyến đường, nút giao kết nối sân bay Nha Trang cũ; Dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và Dự án nút giao thông Ngọc Hội, theo hình thức hợp đồng BT. Nguồn vốn để thanh toán cho các dự án BT là các quỹ đất thuộc Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.

Điều đáng nói, 3 dự án BT tại TP.Nha Trang đến nay vẫn chưa hoàn thành, bàn giao, nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã phân lô, bán nền gần hết các khu đất "vàng" được giao hoàn vốn tại sân bay Nha Trang cũ và thu hàng nghìn tỷ đồng của nhiều người mua đất.

Tập đoàn Phúc Sơn cũng bị địa phương này truy thu số tiền hơn 11.994 tỷ đồng tại Dự án Khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang. 

Theo Hồng Khanh/Vietnam.net

https://vietnamnet.vn/con-duong-tu-dn-cap-huyen-den-tap-doan-nghin-ty-cua-phuc-son-2255475.html