Cổ phiếu FLC và Apec tăng phi mã: Góc khuất thị trường

06/04/2022 08:18

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC vừa bị bắt vì tội thao túng chứng khoán. Không ít nhà đầu tư giật mình khi thấy nhiều điểm đáng suy nghĩ về cổ phiếu “họ” FLC, “họ” Apec và một số họ khác.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Cổ phiếu tăng cao bằng lần

Trong năm 2021, nhiều “họ” cổ phiếu tăng giá chóng mặt, thậm chí tăng bằng lần. Vì đồng loạt “leo dốc” nên những “họ” này khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng.

Nổi bật nhất phải kể đến “họ” FLC của ông Trịnh Văn Quyết, “họ” Louis của ông Đỗ Thành Nhân. Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến “họ” Apec.

Hệ sinh thái liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (API), Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), Công ty cổ phần chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (APS) và Công ty Cổ phần Tập đoàn COTANA (CSC - mã cổ phiếu có sự tham gia định hướng lãnh đạo công ty).

Trong hệ sinh thái nảy còn có Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group. Theo lời giới thiệu, Apec Group là tập đoàn đa ngành với tổng tài sản gần 10.000 tỷ đồng, sở hữu 3 công ty con được niêm yết sàn chứng khoán gồm API, IDJ và APS.

API đã có hành trình bứt phá đầy ấn tượng suốt năm 2021. Nếu cuối năm 2020, cổ phiếu này chỉ giao dịch trên mệnh giá một chút thì cuối tháng 3, API vươn lên 70.000 đồng/cổ phiếu, tăng 56.090 đồng/cổ phiếu, tương đương 403% so với phiên 31/12/2020. Như vậy, API đã tăng 5 lần sau hơn 1 năm.

Trước đây, IDJ có chuỗi ngày dài giao dịch dưới mệnh giá. Thế nhưng, đóng cửa phiên 28/3, IDJ đã đạt tới 31.500 đồng/cổ phiếu, tăng 22.300 đồng/cổ phiếu, tương đương 242% trong khoảng thời gian kể trên.

Cổ phiếu FLC và Apec tăng phi mã: Góc khuất thị trường

D án APEC Mandala Wyndham Mũi Né

Tương tự IDJ, cổ phiếu APS cũng được mua bán dưới mệnh giá trong thời gian dài. Nhiều thời điểm, thị giá APS chỉ đạt hơn 1.000 đồng/cổ phiếu, không đủ mua cốc trà đá. Thế nhưng, theo chân các “anh em” trong họ, APS vươn mình mạnh mẽ, tăng 26.600 đồng/cổ phiếu, tương đương 619% lên 30.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, APS đã tăng tới hơn 7 lần.

Từ năm 2021 đến nay, CSC có hành trình tăng phi mã. Đóng cửa phiên 28/3, CSC dừng ở mức 116.800 đồng/cổ phiếu, tăng 91.420 đồng/cổ phiếu, tương đương 360% so với phiên cuối cùng của năm 2020.

Cả họ đồng loạt tăng phi mã nhưng không thể đưa ra bất cứ kết luận nào ở thời điểm này. Dù vậy, các mã này đều có đặc điểm “lý tưởng” để làm giá. Đó là khối lượng cổ phiếu niêm yết khá thấp, chỉ là 73,5 triệu với IDJ, 83 triệu với APS và 38,2 triệu với API.

Trong khi đó, cổ phiếu “họ” FLC cũng bứt phá mạnh mẽ sau chuỗi ngày dài dằng dặc dưới mệnh giá.

Nếu trong năm 2020, FLC vẫn quanh quẩn trên mức 4.000 đồng/cổ phiếu (chưa được 50%) mệnh giá thì sang 2021, FLC “cát cánh”. Đà tăng đó được duy trì trong những ngày đầu năm 2022, mà đỉnh điểm là trong phiên 7/1/2022, FLC đạt đỉnh 22.550 đồng/cổ phiếu, tăng 18.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 396% so với phiên cuối cùng của năm 2020.

Cổ phiếu ROS cũng có diễn biến tương tự. So với phiên 31/12/2020, ROS tăng 13.470 đồng/cổ phiếu, tương đương 532% lên “đỉnh” 16.000 đồng/cổ phiếu được thiết lập trong ngày 7/1/2022.

Các cổ phiếu khác của “họ” FLC như ART, HAI, KLF, AMD,... cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng.

Cùng âm nặng dòng tiền

Cổ phiếu “họ” FLC và “họ” Apec không cùng xu hướng kết quả kinh doanh nhưng lại có đặc điểm chung là... âm nặng dòng tiền.

Cụ thể, trong “họ” FLC, năm 2021, FLC và AMD chứng kiến lợi nhuận “lao dốc”. Còn lợi nhuận của ROS và ART tăng rất mạnh.

Thế nhưng, dù lãi tăng hay giảm, “họ” FLC đều âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại FLC, ROS và ART lần lượt âm 4.154 tỷ đồng, 860 tỷ đồng và 205 tỷ đồng.

Trong khi đó, họ Apec có bức tranh tài chính sáng sủa hơn nhưng dòng tiền lại âm ở cả mảng kinh doanh và đầu tư.

Cụ thể, năm 2021, API ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đột biến. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm tăng 678 tỷ đồng, tương đương 138% lên 1.168 tỷ đồng. Và đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của API.

Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của API lên tới 202 tỷ đồng, tăng 150,6 tỷ đồng, tương đương 293% so với năm 2020. Như vậy, API đã lập kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận.

Thế nhưng, tại thời điểm cuối năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư của API lần lượt là âm 215 tỷ đồng và âm 27 tỷ đồng.

Về phần IDJ, năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu tăng từ 411 tỷ đồng lên 893 tỷ đồng; lợi nhuận bứt phá từ 78,7 tỷ đồng lên 203 tỷ đồng. Thế nhưng, công ty lại âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư là âm 210 tỷ đồng và âm 50,3 tỷ đồng.

CSC là gương mặt hiếm hoi có lợi nhuận suy giảm, giảm từ 72,3 tỷ đồng xuống 61,5 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CSC âm 280 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán lãi lớn nhờ người trong “họ”

Một đặc điểm chung của “họ” FLC và “họ” Apec không thể không kể đến chính là cùng có một công ty chứng khoán. Với FLC, đó là ART, với Apec, đó là APS.

Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của ART đạt 33,9 tỷ đồng, tăng 32,3 tỷ đồng, tương đương... 2.019% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế của APS đạt 563 tỷ đồng, tăng 506 tỷ đồng, tương đương 888%.

Và điểm giống nhau tiếp theo chính là năm 2021, cả ART và Apec đều lãi lớn nhờ “ôm” cổ phiếu trong “họ”.

Danh mục tự doanh của ART cho thấy công ty nắm giữ các cổ phiếu cùng hệ sinh thái FLC là FLC, HAI, KLF và GAB. Trong đó GAB chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá mua gần 75 tỷ đồng trong khi giá thị trường đã gần 134 tỷ đồng.

Ngoài ra, ART còn nắm giữ cổ phần chưa niêm yết của Công ty CP Quản lý Vốn & Tài sản FLC Holding (FCA), giá trị gần 137 tỷ đồng và cổ phần FLCHOMES giá trị xấp xỉ 73 tỷ đồng.

Về phía APS, lãnh đạo công ty đã lý giải cho đà tăng thần tốc của cổ phiếu này. Lý do là APS đã có kết quả thành công lớn ở mảng tự doanh khi nắm giữ hàng loạt mã cổ phiếu tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua.

APS nắm giữ danh mục cổ phiếu “hot” như DPG, NBB, CII và đặc biệt cổ phiếu CEO. Ngoài ra, APS không thể không có cổ phiếu cùng hệ sinh thái Apec. Đó là API và IDJ.

Cùng có thâm niên... bị phạt

Một trong những thế mạnh của thị trường chứng khoán chính là minh bạch thông tin. Thế nhưng, một số doanh nghiệp thường xuyên dính lỗi này. Mà thông tin lại ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến giá cổ phiếu.

FLC và Apec là những “họ” đã có thâm niên bị phạt vì việc công bố thông tin.

Mới đây nhất, FLC bị phạt 495 triệu đồng sau khi ông Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC. Trước đó, danh sách bị phạt của FLC kéo rất dài.

Không nhiều như FLC nhưng họ Apec cũng là cái tên “quen mặt” trong danh sách phạt.

Cuối năm 2021, Apec Group bị phạt 600 triệu đồng vì bán “chui” hơn 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, vào ngày 25/11/2021, UBCKNN cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư BG Group (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group) với số tiền 90 triệu đồng.

Nguyên nhân là công ty không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Công ty cổ phần Đầu tư BG Group, tổ chức có liên quan của ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc dự kiến giao dịch.

Ngoài ra, APS còn bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ. Tại một số ngày giao dịch trong năm 2021, công ty giải ngân cho vay đối với cổ phiếu của chính công ty phát hành (APS). Năm 2020, APS cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán không thuộc danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ (IDJ).

“Họ” FLC và “họ” Apec có khá nhiều điểm chung. Nhưng có vẻ FLC kém may mắn hơn.!

Theo Hoàng Hưng/Báo Công Thương