Nhà Tân Hiệp Phát: Một tuần lập 10 công ty BĐS, liên tục "ôm" đất vàng

12/04/2023 11:16

Dù mới chỉ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản vài năm trở lại đây nhưng gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã sở hữu quỹ đất trải dài khắp các tỉnh thành phía Nam.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Lập hàng chục công ty bất động sản  

Thành lập vào năm 1994, Tân Hiệp Phát được biết đến là doanh nghiệp lớn trong ngành đồ uống, nước giải khát. Gia đình chủ tịch Tân Hiệp Phát chỉ mới lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) từ năm 2018. 

Giai đoạn 2018 – 2019, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát gây chú ý khi thành lập hơn 20 công ty có ngành nghề kinh doanh BĐS với tổng vốn điều lệ lên đến 20.000 tỷ đồng. 

Đỉnh điểm năm 2019, chỉ trong vòng một tuần, vợ ông Trần Quí Thanh và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đã thành lập 10 công ty BĐS. Mỗi công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Về cơ cấu sở hữu, bà Trần Uyên Phương thường nắm 99,9% vốn tại các công ty này. Phần vốn góp ít ỏi còn lại do bà Trần Ngọc Bích và bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Trần Quí Thanh, nắm giữ. 

Ông Thanh rất ít khi xuất hiện trong thành phần cổ đông của các công ty BĐS thuộc hệ sinh thái Tân Hiệp Phát. Hầu hết do vợ ông và hai con gái đứng tên góp vốn. 

Chỉ ít tháng sau khi thành lập, 10 công ty BĐS bất ngờ giải thể, với cùng lý do “không có dự án để đầu tư, phát triển và việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả”. 

Trong hơn 20 công ty, hiện chỉ còn một số ít công ty còn hoạt động. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư Century Bay Đà Nẵng (Century Bay Đà Nẵng) do bà Trần Uyên Phương đại diện pháp luật. 

Century Bay Đà Nẵng là chủ sử dụng 2 khu “đất vàng” tổng diện tích gần 15.000m2 tại P.An Hải Bắc (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng). Năm 2018, Công ty Tân Hiệp Phát nhận chuyển nhượng quyền sử dụng của hai khu đất này từ một cá nhân rồi lại chuyển nhượng cho Century Bay Đà Nẵng. 

Do chậm đưa đất vào sử dụng, tháng 3/2022, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng yêu cầu Century Bay Đà Nẵng thực hiện cam kết triển khai thủ tục để xây dựng dự án, trường hợp vi phạm sẽ thu hồi đất. 

Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần BĐS Song Thanh. Công ty này đang triển khai dự án khu phức hợp Suntory Bay nằm trên đường Bạch Đằng (Q.Hải Châu, Đà Nẵng), với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. 

Tại TP.HCM, năm 2018, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã bỏ ra 163 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 8 lô “đất vàng” từ một cá nhân. 

Kể từ khi gia nhập lĩnh vực BĐS, Tân Hiệp Phát đã âm thầm gom quỹ đất. BĐS của doanh nghiệp này trải dài khắp các tỉnh thành nhưng chủ yếu ở TP.Đà Nẵng, TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty Century Bay Đà Nẵng. (Ảnh: Hồ Giáp) 

Liên tiếp trúng đấu giá ‘đất vàng’

Ngoài tích luỹ các khu “đất sạch” để không phải giải phóng mặt bằng, chiến thuật thu gom quỹ đất của gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát còn đến từ việc tham gia các cuộc đấu giá đất. 

Tháng 12/2022, ông Trần Quí Thanh có mặt tại buổi đấu giá 4 lô “đất vàng” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm gây xôn xao dư luận. Được đồn thổi là “đại gia có nhiều tiền mặt nhất Việt Nam”, nhưng khi kết thúc buổi đấu giá này, ông chủ Tân Hiệp Phát chỉ ra về tay trắng. 

Giai đoạn 2017 – 2020, trong 9 khu đất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bán đấu giá thành công, thì có 3 khu đất về tay ông Thanh và con gái Trần Ngọc Bích.

Đầu tiên là khu đất 18.165,8m2 đường D5, P.10, TP.Vũng Tàu. Khu đất này được mang ra bán đấu giá vào tháng 5/2019 với giá khởi điểm 255,2 tỷ đồng. Bước giá áp dụng cho mỗi vòng trả giá là 8 tỷ đồng.

Sau khi có thông báo bán đấu giá khu đất trên, ông Trần Quí Thanh và 5 tổ chức nộp hồ sơ. Sau 9 vòng, ông chủ Tân Hiệp Phát đã trúng đấu giá khu đất khi bỏ giá 394,1 tỷ đồng. 

Khu đất này được quy hoạch xây dựng chung cư cao 33 tầng. Đến cuối năm 2022, ông Thanh vẫn chưa thể xây dựng vì dự án chưa được duyệt chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng. 

Gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát sở hữu nhiều quỹ đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Anh Phương)

Khu đất thứ hai về tay gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát là 9.994,8m2 đất tại đường Bến Đầm, huyện Côn Đảo. Theo quy hoạch xây dựng, khu đất này được xây công trình cao 3 tầng, chiều cao tối đa 14m, mật độ xây dựng 25%. 

Khu đất trên có giá khởi điểm 64 tỷ đồng, chỉ có bà Trần Ngọc Bích và một doanh nghiệp tham gia đấu giá vào tháng 2/2020. Tại vòng thứ 8, bà Trần Ngọc Bích bỏ giá 80,1 tỷ đồng để giành quyền sử dụng khu đất. 

Sau khu đất gần 10.000m2 tại huyện Côn Đảo, vào tháng 3/2020, bà Trần Ngọc Bích tiếp tục trúng đấu giá khu đất 20.040,1m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ khi bỏ giá 170 tỷ đồng. 

Nhiều nghi vấn nhất là cuộc đấu giá khu đất 79.481,9m2 khu An Hải – An Hội, huyện Côn Đảo diễn ra vào ngày 25/12/2019. Khu đất này có giá khởi điểm 537,129 tỷ đồng, chỉ có bà Trần Ngọc Bích và một người khác tham gia đấu giá. 

Tại vòng 1, bà Trần Ngọc Bích trả giá hơn 537,3 tỷ đồng, trong khi đó đối thủ của bà trả mức giá 537,2 tỷ đồng. Bước qua vòng 2, cả hai người tham gia đấu giá đều không nhận phiếu trả giá và kết quả con gái ông Trần Quí Thanh là người trúng đấu giá. 

Qua thẩm định, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định hai cá nhân tham gia đấu giá có sự trùng hợp về thời gian, địa điểm xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, cam kết cấp tín dụng của ngân hàng; trùng khớp về địa điểm công chứng uỷ quyền tham gia đấu giá.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao cơ quan công an phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa hai người tham gia đấu giá, trực tiếp đấu giá. Đến nay, vẫn chưa có quyết định công nhận kết qủa trúng đấu giá khu đất này cho bà Trần Ngọc Bích. 

Theo Anh Phương/VietNam.net

https://vietnamnet.vn/nha-tan-hiep-phat-lap-10-cong-ty-bds-tuan-lien-tuc-om-dat-vang-2131032.html