Chiêu trò rao bán nhà của đại gia với giá bèo

06/06/2023 07:05

Nhiều dự án căn hộ tại TPHCM đã được bàn giao nhiều năm bỗng dưng được rao bán với giá thấp hơn 60-70% so với thị trường nhưng khi người có nhu cầu tìm hiểu thì sự thật lại khác.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Bán gấp, bán lỗ, bán nhanh...

Một nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến có thu phí đăng tin gần đây liên tục xuất hiện các tin đăng bán căn hộ tại khu đô thị cao cấp phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM với giá rẻ bất ngờ. Một căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 78m2, người đăng tin tự nhận mình là chính chủ nhà, muốn "bán nhanh" nên rao giá 1,49 tỷ đồng, tương đương 19,1 triệu đồng/m2. Thậm chí, chủ nhà còn hứa hẹn "bao sang tên cho khách thiện chí", tức sẽ tự chi trả phần chi phí công chứng, làm sổ... khoảng 2,5-3% giá trị giao dịch (khoảng 45 triệu đồng).

Nhiều tin đăng khác cũng giảm giá "sốc" với căn hộ của dự án trên. Một tin đăng "mua nhanh kẻo lỡ" rao giá một căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích tương đương căn hộ bên trên, 75m2 với giá cao hơn 1 tỷ đồng, ở mức 2,52 tỷ đồng. Hay một căn 3 phòng ngủ, 81m2 nhưng giá rao chỉ 1,94 tỷ đồng, tức 24 triệu đồng/m2.

Chiêu trò rao bán nhà của đại gia với giá bèo - 1

Nhiều tin đăng giá rẻ bất ngờ về một dự án căn hộ đã bàn giao tại quận Bình Thạnh, TPHCM (Ảnh chụp màn hình).

Các tin đăng giảm giá căn hộ của dự án trên không chỉ xuất hiện trên một nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến. Ở một nền tảng khác, các tin đăng được rao giá cao hơn một chút, khoảng 29-31 triệu đồng/m2 với nhiều lý do như cần vốn kinh doanh, cần tiền bán gấp, định cư nước ngoài nên bán, hoặc gia đình trục trặc cần sang nhượng...

Điều đáng nói, các căn hộ chung cư trên thuộc dự án đã được bàn giao mấy năm nay, được liệt kê vào tầm "nhà giàu" với giá giao dịch thứ cấp khoảng 85-100 triệu đồng/m2. Các khoảng giá rao 19-20 triệu đồng/m2, thậm chí 30 triệu đồng/m2 đều thấp hơn 70-80% so với giá thị trường đang chuyển nhượng.

Ông Nguyễn Quốc Hưng (An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) kể đã gọi điện cho một môi giới theo số điện thoại đính kèm bản tin đăng. Sau khi môi giới xác nhận có căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 78m2, bán với giá 1,49 tỷ đồng, ông Hưng hỏi vì sao giá rẻ hơn thị trường. Môi giới cho biết đây là căn hộ được ngân hàng bán phát mại thanh lý tài sản.

Ông Hưng ngỏ ý muốn đến xem căn hộ thì được môi giới hẹn 7h sáng tại số 1 đường Nguyễn Quý Đức, quận 2 (khu vực đường Song Hành, nay là TP Thủ Đức), hướng dẫn lên lầu 3. Địa chỉ trên chính là khu chung cư nơi ông Hưng sống. Ông hỏi lại môi giới thì được giải thích là "lâu lâu ngân hàng mới phát mãi một lần, lên lầu thì mới xem được".

Nói với phóng viên Dân trí, ông Hưng cho rằng môi giới đã không thành thật và có dấu hiệu mập mờ, lừa dối. Ông Hưng nhận định điều bất thường ở việc căn hộ ở Bình Thạnh nhưng hẹn khách xem nhà ở quận 2, vào lúc 7h sáng, khi các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng chưa làm việc. Hơn nữa, việc phát mại căn hộ không thể nào lại ở lầu 3 của một khu chung cư với lý do "lâu lâu mới phát mãi một lần", bởi bộ phận phát mại của các ngân hàng đều ở các địa điểm lớn. "Những dấu hiệu mập mờ này cho thấy họ không bán bất động sản Bình Thạnh, mà có thể là cái cớ dẫn dụ khách hàng đi nơi khác, như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu", ông Hưng nói.

Ông Lê Văn Hoàng, một nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường, cho biết từng rơi vào trường hợp như ông Hưng. Sau khi liên hệ và đến điểm hẹn, những người tự xưng là môi giới công ty sẽ dẫn khách lên ô tô chờ sẵn, kéo kín rèm che rồi "lùa" khách đi các tỉnh giáp ranh TPHCM xem đất nền, đất trong hẻm nhỏ. Ông Huy từng mất nguyên buổi sáng để đi lòng vòng như thế, bị các đối tượng dẫn dụ mua nhà nhưng ông không xuống tiền cọc.

Không riêng dự án "đại gia" ở Bình Thạnh, một dự án khác bên quận 7, TPHCM cũng được rao bán chỉ 38 triệu đồng/m2 cho căn hộ 2 phòng ngủ, trong khi giá thị trường 50-60 triệu đồng/m2. Hay căn hộ dự án mặt tiền Bến Vân Đồn, quận 4 với giá chỉ 30 triệu đồng/m2 trong khi giá phổ biến gấp đôi mức đó. Nhiều căn hộ trong khu đại đô thị gần 300 ha ở quận 9 (nay là TP Thủ Đức) còn được rao giá khoảng 22-25 triệu đồng/m2 cho căn 2 phòng ngủ, thấp hơn 50-60% giá thị trường.

Luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty Luật TMC Lawyers, Đoàn Luật sư TPHCM, thừa nhận trong 3-5 tháng nay gặp nhiều trường hợp khách hàng tìm đến với các câu chuyện tương tự kể trên. Đa số các công ty giao cho môi giới đăng các tin như căn nhà do ngân hàng thanh lý với giá rẻ hơn một nửa so với giá thị trường, hoặc liên hệ với khách hàng theo dữ liệu có sẵn.

Các môi giới thường hẹn khách hàng ở đường Song Hành, quận 2 rồi dẫn khách đi các dự án khác ở Trảng Bom (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bình Dương... Sau đó môi giới dùng các thủ đoạn tạo tâm lý đám đông, tặng vàng tặng tiền dụ khách ký hợp đồng đặt cọc. Thậm chí, nhiều trường hợp môi giới còn tạo ra "chim mồi" là khách muốn chốt cọc nhưng ở Hà Nội chưa thể bay vào, dụ khách hàng trong này đặt cọc 50-100 triệu đồng rồi mua lại phần cọc đó với giá cao hơn. Tuy nhiên sau đó, các "chim mồi" không hề xuất hiện, khách hàng thì đã ký hợp đồng đặt cọc và phải thanh toán tiếp theo điều khoản hợp đồng.

Vấn đề ở đây là giá trị miếng đất có thể chỉ 1 tỷ đồng nhưng hợp đồng lên tới 2 tỷ đồng. Sau khi khách hàng trấn tĩnh lại, biết mình bị lừa vì tâm lý đám đông, muốn rút cọc cũng khó. Gần đây, đa số các dự án được bán theo hình thức lừa chốt cọc, chốt hợp đồng dạng này đều có pháp lý đầy đủ. Do đó, nếu khách hàng tiếp tục đóng tiền theo quy định hợp đồng thì vẫn có thể ra sổ, tuy nhiên số tiền bỏ ra lớn hơn nhiều giá trị thực, ông Cường nói.

Người mua cần cẩn trọng tỉnh táo

Đại diện Batdongsan.com (một nền tảng đăng tin mua bán bất động sản trực tuyến) cho biết chủ tin đăng có nhiều lý do để đăng "tin giả" (tin không có thực) như lấy dữ liệu khách hàng để bán bất động sản khác, đăng giá cao hơn giá trị thật để mong đẩy giá hoặc đăng giá thấp hơn để phục vụ mục đích khác.

Theo vị đại diện này, không một nền tảng nào có thể khẳng định 100% tin đăng là tin thật, sẽ có một số lượng tin ảo tồn tại. Do đó, người mua được khuyến nghị hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ lưỡng với các tin đăng. Nếu phát hiện tin đăng không đúng sự thật thì gọi tới đường dây nóng của các nền tảng. Đặc biệt, người mua nhà cần cân nhắc tới các tin đăng quá tốt về giá và luôn luôn so sánh với giá trung bình của thị trường. Để đảm bảo an toàn, người dùng tuyệt đối không nhấp chuột vào các đường link không an toàn; không chuyển khoản, đặt cọc trước khi xác thực thông tin.

Ở góc độ pháp luật, luật sư Trần Minh Cường cho rằng với doanh nghiệp chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa có pháp lý 1/500 thì có thể tuyên bố hợp đồng khách hàng đã ký là vô hiệu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, khách hàng không thể chứng minh được đã bị lừa dối, không có cơ sở để tuyên bố vô hiệu hợp đồng nên việc can thiệp về pháp lý rất khó khăn.

Vì vậy, nhà đầu tư phải luôn tỉnh táo hiểu rằng "không có bữa trưa nào miễn phí", rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao nhưng khi có vấn đề bất ổn thì phải cân nhắc. Nhà đầu tư khi ký vào các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nguyên tắc phải đọc kỹ, yêu cầu thêm những điều kiện đã "được hứa hẹn" để tránh nếm trái đắng.

Theo Khổng Chiêm/Báo Dân Trí

https://dantri.com.vn/bat-dong-san/chieu-tro-rao-ban-nha-cua-dai-gia-voi-gia-beo-20230604145311064.htm

Bạn đang đọc bài viết "Chiêu trò rao bán nhà của đại gia với giá bèo" tại chuyên mục Thị trường.